Hai tuyến đường “ẩm thực đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm” đã được xây dựng thí điểm tại TP Cần Thơ. Thực khách có cảm giác yên tâm khi đến ăn uống tại đây. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm…
Chợ tự phát ở cuối đường Đề Thám lấn chiếm lòng lề đường |
TT – Hai tuyến đường “ẩm thực đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm” đã được xây dựng thí điểm tại TP Cần Thơ. Thực khách có cảm giác yên tâm khi đến ăn uống tại đây. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm…
Hai tuyến đường vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là đường Đề Thám nối Nguyễn Khuyến – Ngô Quyền thuộc phường An Cư và đường Trần Văn Hoài thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.
Chuyển biến chưa nhiều
Cuối tháng 2-2008, đường Đề Thám đã được treo bảng “tuyến đường ẩm thực đạt tiêu chuẩn VSATTP”. Tại đây bán nhiều món ăn đa dạng, bình dân như bún mắm, bún riêu, mì, hủ tiếu, phở, cháo, cơm tấm… Lượng khách ăn khá đông.
Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, chưa có nhiều chuyển biến so với trước đây. Cụ thể là vào giờ cao điểm bán điểm tâm sáng, hầu như các “đầu bếp” đều bốc thức ăn bằng tay, không thấy ai mang khẩu trang hay tạp dề như qui định. Nhiều quán không để sọt rác nên thức ăn thừa, giấy ăn vứt vương vãi khắp nơi. Phần lớn quán bán trên vỉa hè nên chỗ ngồi, chỗ để xe cho khách không đủ.
Giảm nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm Tại buổi họp giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với Sở Y tế về vấn đề VSATTP gần đây, bà Bùi Thị Lệ Phi, phó giám đốc Sở Y tế, cho biết trong năm 2008 ngành y tế quyết tâm tạo được chuyển biến về vấn đề vệ sinh thực phẩm, đặc biệt tập trung vào thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể để giảm nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm. Ngoài việc thí điểm bước đầu xây dựng các tuyến đường ẩm thực an toàn, phấn đấu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP khoảng 80% cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm (hiện nay chỉ đạt khoảng 14%). |
Bà Nguyễn Thị Bé Em, chủ quán bún riêu 68 Đề Thám, nói: “Từ khi được nghe phổ biến xây dựng đường ẩm thực an toàn, tôi cũng cố gắng làm đúng vì thấy có lợi cho mình. Quán tôi có để sọt rác ở mỗi bàn nhưng nhiều khi khách vẫn có thói quen bỏ đại dưới đất. Quán tôi đã khám sức khỏe cho tất cả bốn người và được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Nhưng nói thiệt việc mang bao tay, tạp dề nhiều khi cũng quên… vì vướng víu khó làm lắm”.
Trên đường Đề Thám nối Nguyễn Khuyến – Ngô Quyền còn có rất nhiều người buôn gánh bán bưng nhỏ như xôi, chuối nướng, chuối chiên… vỉa hè hoặc xe đẩy không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận vì lấn chiếm lòng lề đường.
Bà Trần Thị Tươi, một người bán chuối nếp nướng lâu năm ở góc đường Đề Thám, lo lắng: “Tôi bán nhờ chỗ của người ta ở đây, chưa biết được bao lâu, tiền lời hằng ngày tích cóp nuôi đứa em bị tai nạn nằm một chỗ. Cũng may nhờ mấy cô ở trạm y tế phường thương tình miễn tiền đi tập huấn, chỉ đóng tiền khám sức khỏe, giờ được cấp giấy chứng nhận rồi. Có điều tôi lo vì nướng chuối lò than nóng mà đeo bao tay nilông dễ bị cháy lắm. Bởi vậy tôi ít đeo như mấy cô hướng dẫn”.
Như vậy cảm giác yên tâm vơi dần trước cảnh lộn xộn, chưa vệ sinh ở một số quán. Chưa kể cuối đường còn tồn tại cả một khu chợ tự phát buôn bán đủ loại thịt, cá, rau, trái cây… lấn chiếm vỉa hè. Nước, rác thải từ đây tràn xuống cả lòng đường và thường xuyên xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông.
Phải làm quyết liệt
Bán chuối nếp nướng trên lề đường Đề Thám |
Điều kiện cơ bản để được cấp giấy chứng nhận VSATTP đối với thức ăn đường phố là cơ sở phải sạch sẽ, người trực tiếp chế biến buôn bán thực phẩm được tập huấn, được khám sức khỏe định kỳ… Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Mỹ Dung, trưởng Trạm y tế phường An Cư – đơn vị quản lý thực hiện, cho hay đang gặp vấn đề nan giải là “giải quyết” những người buôn bán trên lòng lề đường. Lý do: đa số họ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không thể đóng tiền để tập huấn, khám sức khỏe theo qui định…
Riêng trên tuyến đường (phát sinh) của đường Đề Thám nối Nguyễn Khuyến – Ngô Quyền, theo chỉ đạo của UBND phường An Cư phải xây dựng tất cả thành tuyến đường “ẩm thực đạt tiêu chuẩn VSATTP”. Hiện nay trong tổng số khoảng 90 cơ sở buôn bán thực phẩm chỉ có 41 cơ sở được thẩm định xong để cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP; có 45 cơ sở bán trên vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông, không đủ điều kiện theo qui định để cấp giấy chứng nhận. Do vậy mặc dù đã tổ chức tập huấn kiến thức và khám sức khỏe, trạm y tế phường vẫn đang “bó tay” không biết tiếp theo giải quyết ra sao: cấp giấy không được mà giải tỏa cũng không xong!
Trao đổi với báo chí về việc thí điểm xây dựng các tuyến đường ẩm thực đạt tiêu chuẩn VSATTP, lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều khẳng định quyết tâm: “Đến thời điểm này chúng tôi đã thực hiện gần như hoàn tất phần việc trên hai tuyến đường này. Phần việc còn lại từ đây về sau sẽ làm quyết liệt là nghiêm khắc xử phạt những cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, điều kiện vệ sinh không được duy trì thường xuyên hoặc những trường hợp không khắc phục tồn tại, hạn chế mà trước đó đoàn kiểm tra đã nhắc nhở”.