Vượt qua gần 30.000 thí sinh khắp nước Mỹ tham gia cuộc thi “Vua đầu bếp”, Christine Hà – cô gái khiếm thị Mỹ gốc Việt đến từ Houston (Texas) – đã thuyết phục được ba vị giám khảo nổi tiếng trong ngành ẩm thực thế giới với món cá kho tộ.
Lịch sử cuộc thi này chưa bao giờ ghi nhận có một thí sinh khiếm thị tham dự. Nhưng điều chưa từng có và không thể ấy lần này đã xảy ra… khi cô gái gốc Việt ấy xuất hiện.Cuộc thi “Vua đầu bếp” là một trong những chương trình truyền hình thực tế có lượng người xem đông nhất ở Mỹ. Đây là một cuộc so tài đầy căng thẳng và áp lực như tuyên bố của đầu bếp trứ danh, nhà sản xuất và dẫn chương trình Gordon Ramsay từng nói: “Nếu bạn được trao chiếc tạp dề trắng (tức được phép tham gia cuộc thi và đi tiếp vào vòng trong), có nghĩa là bạn đã đặt mình vào những tình huống cực kỳ khó khăn mà bạn chưa thể hình dung được”.
Nấu ăn chính là sáng tạo
Christine Hà, 33 tuổi, có gương mặt sáng kiểu Á Đông, mái tóc đen ngang vai và nụ cười rạng rỡ. Cô kể cô đã bắt đầu nấu ăn từ khi học đại học, vì “nếu không nấu sẽ chết đói”. Mẹ cô qua đời khi cô 14 tuổi, trước khi cô “biết mình thích nấu ăn” và bà cũng không kịp truyền cho đứa con duy nhất của mình bí quyết nấu bất kỳ món gì. Nhưng mẹ cô lại chính là cảm hứng cho cô mỗi khi cô nhớ lại các hương vị mà mẹ mình đã nấu.
“Tôi chợt phát hiện nấu ăn thật tuyệt vời. Đó là sự kết hợp giữa khoa học chính xác và tính nghệ sĩ, đầy sáng tạo, không có giới hạn” – cô nói.
Christine Hà tốt nghiệp đại học tài chính và quản lý hệ thống thông tin tại Đại học Texas, Austin. Cô hiện đang chuẩn bị hoàn thành thạc sĩ môn sáng tác văn chương. Cô cũng là chủ nhân của trang web “theblindcook.com”.
Phải ăn cá có xương mới đúng điệu!
Cũng như mọi thí sinh khác, Christine Hà có một giờ để chuẩn bị món ăn bên ngoài trước khi bước vào trong phòng thi, và cũng chỉ có năm phút để bày món ăn và giới thiệu với giám khảo.
Trước khi cô xuất hiện trên màn hình, các giám khảo cũng đã thưởng thức đủ mọi hương vị, từ món há cảo của Trung Quốc, món gà truyền thống của Zimbabwe đến món sườn nướng, bánh các loại. Họ cũng đưa ra đủ mọi lời bình phẩm, khen có, chê có, thậm chí “ác” đến mức lên tiếng “chúc mừng” một thí sinh và để
thí sinh đó hét lên sung sướng trước khi “hạ thủ” “vì đã làm ra món ăn tồi tệ nhất trong lịch sử cuộc thi”. Thế nhưng, việc “sỉ nhục” thí sinh có lẽ là một trong những “đặc sản” rất… Mỹ vốn làm nên thương hiệu của cuộc thi này.
Ở vòng sơ tuyển, Christine đã giới thiệu món cá kho tộ, một ít rau ăn kèm và cơm trắng. Đây là món ăn quen thuộc và rất được ưa thích của người Việt Nam với hương vị thơm, dẻo của gạo quyện với cá om với nước mắm và nước dừa. Đó là chưa kể màu sắc món ăn cũng rất dân dã và đẹp mắt khi bày lên đĩa (màu trắng của cơm, màu nâu ngọt của cá, màu xanh của rau và màu đỏ của ớt).
Christine bước vào phòng thi với sự hỗ trợ của chồng và chiếc gậy dành cho người khiếm thị. Ba giám khảo, ba đầu bếp sắt đá, đã không giấu được sự ngạc nhiên và hồi hộp không biết cô sẽ cho họ nếm món ăn gì. Với họ, không hề có bất kỳ sự chiếu cố nào cho cô, chỉ có một đòi hỏi món ăn phải vừa sáng tạo, vừa chứa đầy tình yêu trong đó.
Cô giới thiệu: “Tôi kho cá trong nồi đất vì nó giúp om cá ngon hơn, tạo được lớp keo đặc sệt, hương vị ngon hơn”. Khi được hỏi vì sao nấu cá để nguyên xương, cô nói: “Vì cá trê rất mềm và không muốn miếng cá vỡ ra nên phải để xương nguyên, nhìn cho đẹp mắt và đó cũng là cách ăn của người Việt Nam”. Rất tiếc vì cơm không dẻo (do cô dùng nồi cơm điện của ban tổ chức cung cấp) nên cô đành chỉ phục vụ món cá kho.
Ngoài chi tiết này, món cá kho tộ cuối cùng đã được đánh giá là “thành quả tuyệt vời”, và cả ba giám khảo đều đồng ý trao cho cô chiếc tạp dề trắng. Ramsay nói: “Đây là món ăn tuyệt vời nhất mà tôi được nếm trong cuộc thi”. Joeseph Bastianich nhận xét: “Cô có một lợi thế lớn là khi nói về món ăn, cô không chỉ diễn tả bằng lời mà biểu cảm bằng cả khuôn mặt. Ánh mắt đầy vẻ hạnh phúc, tự hào, đam mê”.
Được hỏi bí quyết nào đã giúp cô được chọn đi tiếp vào cuộc thi, Christine Hà nói: “Trong cuộc thi, tôi học cách không nên lo lắng về những món ăn người khác đang trổ tài nấu nướng mà chỉ tập trung vào món của mình. Người khác nấu gì không quan trọng… Tôi nỗ lực hết sức, rút kinh nghiệm từ sai lầm, lắng nghe nhận xét của giám khảo, lắng nghe cảm nhận của mình và nấu món mà tôi thích ăn. Nhưng trên hết, phải nấu ăn từ chính trái tim mình, nấu món mà mình sẽ tự hào để phục vụ bạn bè, và tạo ra món ăn bằng tình yêu, niềm đam mê và nhiệt tình”.
Cuộc thi sẽ trao cho người thắng cuộc 250.000 USD, được xuất bản một cuốn sách nấu ăn của riêng mình và chiếc cúp Vua đầu bếp. Christine Hà lọt được vào vòng thứ 18 sau khi thể hiện món thịt bò xào kiểu Thái và món bánh táo. Ngày 18 và 19-6 sẽ phát những tập tiếp theo trên kênh Fox, với 16 thí sinh vào vòng tiếp theo. Ở tập này, Christine Hà sẽ cùng với các thí sinh khác đến doanh trại quân đội ở Pendleton, California và làm việc theo nhóm để chuẩn bị bữa ăn cho 200 binh lính.
Gordon Ramsay – nhà sản xuất và dẫn chương trình của Vua đầu bếp – từng thực hiện một chương trình về ẩm thực Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Trốn đến Đông Nam Á” của ông. Trong chương trình “Trốn đến Việt Nam”, ông đã đi khắp ba miền đất nước, trải qua từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, để cuối cùng nhận ra ở đất nước này bạn “không cần có nhiều tiền, bạn cũng có thể ăn những món ngon tuyệt, lại tươi nữa”. Gordon đã tự mình phóng xe máy ở Mai Châu (Hòa Bình) để ăn món bánh cuốn sau mùa gặt cùng người làng, được một bà chủ tiệm các món vịt ở Hà Nội khen “đẹp trai thế!”, và ông cũng tự đặt tên cho bà là “madam Duck” (bà Vịt) vì sợ phát âm tên “Khoa” của bà thành “Quác”. Ông cũng thử rao “hủ tiếu, bún riêu” trên sông ở đồng bằng sông Cửu Long, từng chứng kiến cảnh cắt tiết rắn ở TP.HCM và “xây xẩm mặt mày” vì món rượu huyết rắn. 25 năm nấu ăn, đầy kinh nghiệm, Gordon lăn xả vào nấu nấu nướng nướng, tự tay bưng bê phục vụ khách hàng Việt Nam, nhưng thi thoảng ông vẫn bị chê là “nấu không giống lắm!” (Xem www.youtube.com/watch?v=Zz4U7dU1TQM). |
KHỔNG LOAN