Khởi nghiệp với một quán cà phê nho nhỏ ven đường với tạp dề màu xanh bích, đến nay Urban Station đã là một thương hiệu cà phê có tiếng ở Sài Gòn với khoảng 30 quán và 300 nhân viên. Mấy ai biết được thương hiệu tưởng như rất “toàn cầu” này lại là của 2 chàng trai người Việt Nam: Đinh Nhật Nam và Nguyễn Hải Ninh.
Thay đổi để thành công
Người yêu cà phê dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Urban Station ở những vị trí đắc địa. Để có được thành công này, Nhật Nam (sinh năm 1989, học chuyên ngành quản trị kinh doanh) và Hải Ninh (sinh năm 1987, chuyên ngành hóa thực phẩm) đã phải nếm trải không ít khó khăn, thua lỗ và từng có lúc tính đến chuyện giải thể.
Sau giai đoạn chuẩn bị, giữa năm 2011, “đứa con đầu lòng” khá khiêm tốn từ số vốn 250 triệu đồng của Nam và Ninh ra đời. Thời gian đầu, Urban Station vấp phải nhiều khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng thay đổi thói quen uống cà phê, trải nghiệm không gian mới và sự khác biệt của sản phẩm.
Urban Station Coffee
Thêm nữa, ban đầu do tập trung vào mô hình “take away” (cà phê mang đi) đang thịnh hành, quầy bar của Urban Station được đẩy ra ngoài, ghế cao không dựa, bàn nhỏ… nhằm hạn chế khách ngồi lâu, tiết kiệm không gian. Điều này vô hình trung kìm hãm sự phát triển của Urban Station trong suốt 6 tháng đầu.
“Bản thân thương hiệu phải làm cho mọi người yêu thích, cảm thấy thoải mái. Nếu đã không thích thì đừng nói là ngồi, ngay cả việc “take away” khách cũng không đến”, Nam chia sẻ.
Xâu chuỗi va chạm thực tế với những kiến thức chuyên ngành có được, Nam và Ninh nhận ra mô hình “take away” không hợp với văn hóa Việt. Thời điểm đầu nó có thể trở thành một trào lưu nhưng về lâu dài người Việt vẫn cần một chỗ ngồi, một không gian thưởng thức cà phê đúng nghĩa.
Đó chính là lý do đưa hai ông chủ trẻ đến quyết định thay đổi. Bàn ghế được kê nhiều hơn, quán mở rộng ra, có chỗ để xe, may tạp dề đẹp hơn… để níu chân khách. Sự thay đổi giúp quán từ lỗ trung bình 10 triệu đồng/tháng đến dần hòa vốn rồi sinh lời.
Bắt được tín hiệu tích cực, Nam và Ninh tiếp tục mở quán thứ hai không thiên về cà phê mang đi mà chỉ xem đó là giá trị cộng thêm. Với “ngoại hình” mang phong cách đường phố, bụi bặm và hiện đại rất riêng đến từ chiếc cửa sơn đỏ, những bộ bàn ghế cao ngồi duỗi thẳng chân hoặc sofa bài trí xéo góc lạ mắt, không gian tràn ngập ánh sáng cùng tiếng nhạc vui tươi, Urban Station đã được “định vị” trong muôn vàn quán cà phê “take away”mọc lên khắp nơi.
Bên cạnh việc tạo dựng một môi trường để khách hàng tận hưởng giữa nhịp sống hối hả ngay từ những ngày đầu, Nam và Ninh đã chú trọng đến việc định hướng phát triển hệ thống sản phẩm đa dạng, độc đáo (từ cà phê, ice-blended, smoothie, cookie, soda, tạp dề… đến Italia sorbet) thông qua việc cộng tác với Võ Pháp – giải nhất Barista (nghệ nhân pha chế cà phê) quốc tế ngay từ ngày đầu.
Yếu tố này cũng góp phần làm thay đổi cách nhìn của khách hàng từ định nghĩa “take away” theo nghĩa “mang đi” sang “nhận biết dựa trên sản phẩm”. Vẫn có không gian để thư giãn, tán gẫu, làm việc nhưng ở Urban Station khách hàng còn được thưởng thức sản phẩm “take away” với mức giá bình dân.
Tăng thêm giá trị dịch vụ
“Từ mô hình hoàn chỉnh, lần lượt các bản sao được Urban Station lập ra. Đến cái thứ ba, thứ bốn thì Urban Station nhận được nhiều sự quan tâm với nhiều lời đề nghị nhượng quyền, hợp tác. Đến nay, Urban Station đang chờ đón sự ra đời của cửa hàng thứ 30, với thị trường mở rộng ở TP.HCM, Biên Hòa, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng…”, Hải Ninh hồ hởi chia sẻ.
Tuy vậy, sự phát triển ngoài kỳ vọng cũng song hành với những khó khăn, rủi ro trong quản lý con người, vận hành. Chính Nam cũng thừa nhận: “Thời gian đầu tôi cảm thấy sợ vì không thể đáp ứng được sự phát triển quá nhanh chóng, nên luôn thận trọng trong mỗi quyết định”.
Nguồn vốn cũng là một vấn đề đáng cân nhắc. Để giải quyết điều này, Urban Station đang phát triển theo hai hướng. Một là những cửa hàng do Công ty trực tiếp đầu tư, vận hành; hai là cửa hàng hợp tác chứ không thiên hẳn về nhượng quyền thương hiệu.
Thay vì “mua đứt bán đoạn”, Nam và Ninh chọn con đường hợp tác để có thể nắm quyền kiểm soát chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ của nhân viên ở tất cả các cửa hàng có chung một sản phẩm; chấp nhận đi từng bước chậm mà chắc để đảm bảo mang đến cho khách hàng những cảm nhận đồng đều như những gì mà họ từng cảm nhận.
Nam khẳng định: “Chúng tôi không thay đổi, bây giờ và cả sau này cũng không, những cái làm chúng tôi khác biệt là không gian phố thị ngập tràn hương cà phê, là gu cà phê nhẹ nhàng say đắm, là sự thân thiện của bè bạn, là chiếc tạp dề xinh xắn. Bên cạnh đó, những buổi nhạc sống, những sự kiện sôi động cũng được chúng tôi bổ sung và chăm chút”.
Nam chia sẻ thêm: “Nếu liều có lẽ Urban Station đã mở rộng ra đến Đông Dương vì có nhiều doanh nghiệp nước ngoài ngỏ lời về việc nhượng quyền, nhưng thay vào đó sẽ là những chiến lược riêng phát triển ở những thị trường nằm dưới sự kiểm soát của mình, cộng thêm việc phát triển”.
Song song với việc tăng cường sự nhận biết của khách hàng về những giá trị sản phẩm, dịch vụ mà thương hiệu mang lại, Urban Station đang thử nghiệm kinh doanh các loại thức ăn nhanh như mỳ ý, xúc xích lắc, cơm cấp đông, bánh mì tươi… để tăng thêm giá trị dịch vụ cho khách hàng.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn